Một căn nhà thông thường sẽ có cách thức chịu lực theo nguyên tắc: tất cả sức nặng (tải trọng) mà các sàn nhà phải chịu đuợc truyền qua hệ thống các dầm (đà). Một mặt bằng nhà có nhiều hay ít cột – đà, và cột – đà lớn hay nhỏ phụ thuộc vào cách bố trí và tính toán của các nhà thiết kế. Nhà “kết cấu treo” thì đi ngược lại nguyên tắc thông thường này, các nhà thiết kế muốn xuất hiện rất ít cột và muốn tạo một số không gian trống, không cột chống đỡ.
Thông tin công trình:
- Nhà “kết cấu treo”
- Địa chỉ: 14A22 Thảo Điền, Quận 2, TP Hồ Chí Minh
- Thiết kế : KTS Nguyễn Đình Giới, KTS Trần Minh Phước, KTS Lương Hiền Phượng
- Thi công : Công ty TNHH Thiết Kế – Xây Dựng Nhà Dân
- Ảnh: Hiroyuki Oki
Thuyết minh của KTS
Các nhà thiết kế đã tính toán để tải trọng căn nhà này được truyền theo cách không như thông thường. Các sàn nhà, thay vì chịu trên các cột đỡ, lại được treo ngược lên sàn sân thượng. Lúc này, tải trọng của các sàn nhà thay vì truyền theo hướng xuống thì nó lại theo hướng đi lên. Sân thượng với hệ thống đà rất lớn, gánh đỡ toàn bộ tải trọng các sàn nhà bên dưới, truyền vào các cột và xuống móng. Phương pháp kết cấu chịu lực này không mới nhưng không phổ biến vì giá thành cao và thi công phức tạp. Các nhà thiết kế chỉ áp dụng khi có một mục đích cụ thể và chấp nhận cái giá phải trả.
Ngoài việc treo sàn, nhà này còn được thiết kế với kết cấu các sàn rất khác nhau. Riêng sàn lầu 1, để giữ vẻ đẹp của tự thân kết cấu, các nhà thiết kế đã tạo hệ đà “giao thoa” với các đà có kích thước bằng nhau và chia thành các ô vuông nhỏ. Hình dáng kết cấu sàn này đã trở thành một chi tiết trang trí nội thất đặc biệt cho không gian bên dưới. Nhà còn sử dụng chất liệu bê tông để trần không tô, lặp lại một kỹ thuật có cách đây cả trăm năm, hiện đang là một trong những khuynh hướng phổ biến của thế giới.
Mặt bằng nhà được tổ chức có hai cạnh mở tối đa hướng ra sân vườn chính phía góc khu đất. Tầng trệt gồm các khu vực sinh hoạt chung như tiếp khách, ăn, bếp. Tầng lửng bố trí khu vực làm việc và một phòng ngủ với khoảng thông tầng rộng nhìn xuống phòng khách. Cả 2 tầng này là tâm điểm để các nhà thiết kế “treo sàn”. Không còn cột chắn tầm mắt, không gian trong và ngoài nhà chỉ còn ngăn cách bằng một mảng kính kéo dài, tạo cảm giác như có, như không. Và cũng do không có cột, các sàn nhà như bay lơ lửng, “thách thức” trọng lực….
Phòng ngủ chính và 2 phòng ngủ khác được bố trí ở lầu một với hành lang giữa. Phòng ngủ chính mở ra một hàng hiên rộng với bức vách cao giới hạn tầm nhìn của các nhà lân cận. Các phòng ngủ còn lại, phía mặt đường, được che chắn bởi các tấm “phên” gỗ khung thép. Tầng hầm bố trí phòng giải trí, phòng ngủ cho khách, phòng ngủ cho giúp việc và các phòng kỹ thuật, kho. Một số sân vườn được đưa xuống ngang cao độ sàn hầm để lấy ánh sáng tự nhiên và tạo cảnh quan.
Người ta gọi là bê tông “trần” là vì sau khi bê tông đủ thời gian ngưng kết, khi tháo dỡ khuôn, bề mặt bê tông được để trần không tô trát, ốp, lát… Khuôn dùng đổ bê tông có thể là gỗ, ván ép hoặc thép. Các lỗ tròn còn lại trên mặt bê tông là dấu vết của các bu lông neo giữ khuôn. Bê tông để trần không tô có thể dễ thấm nước, dễ đóng rêu… nên người ta thường phủ lên một loại hóa chất bảo vệ trong suốt, không làm thay đổi màu sắc của bê tông. Lớp hóa chất này cần được phủ lại vài năm một lần nếu ở ngoài trời, chịu tác động trực tiếp của mưa nắng.
Các nhà thiết kế và thi công đã sử dụng loại gỗ Lim nhập từ Phi châu về để làm chi tiết tấm mành che này. Để tránh gỗ có thể co nhót nứt nẻ, nhóm thiết kế đề xuất giải pháp gia công thanh gỗ với tiết diện khá nhỏ và phủ lên đó một lớp dầu bảo vệ cao cấp.
YOUR COMMENT